Công nghiệp hóa là gì? Những thách thức trong quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam

Kể từ khi Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển giao kinh tế từ những năm 1960 trở đi, chúng ta thường xuyên nghe rất nhiều về cụm từ “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước. Có lẽ bản thân cụm từ “hiện đại hóa” cũng đã nói lên được ý nghĩa và mục tiêu của nó. Tuy nhiên, công nghiệp hóa là gì và quá trình này đóng vai trò như thế nào trong nền kinh tế nước ta thì có lẽ còn rất nhiều người chưa nắm rõ.

  1. Khái niệm công nghiệp hóa

Công nghiệp hóa được hiểu là quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế lấy công nghiệp làm chủ đạo, hay nói cách khác là giảm tỉ trọng lao động nông nghiệp (chủ yếu là thủ công) đồng thời tăng tỉ trọng lao động công nghiệp (áp dụng công nghệ, máy móc và phương tiện hiện đại).

Tuy nhiên, công nghiệp hóa không chỉ gói gọn trong chuyển đổi nền kinh tế, mà đó còn là quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp.

  • Đặc điểm của công nghiệp hóa

Sau đây là một số đặc điểm chính của công nghiệp hóa:

  • Phải rút ngắn thời gian đồng thời phát triển nhanh nhằm đuổi kịp trình độ và những tiến bộ khoa học của các nước khác trên thế giới.

– Công nghiệp hóa cần gắn kết với hiện đại hóa, tập trung vào phát triển công nghệ thông tin và tiếp cận với kinh tế tri thức.

– Phát triển xã hội song song với việc phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động. Công nghiệp hóa tại Việt Nam phải đi theo hướng xã hội chủ nghĩa để đảm bảo công bằng xã hội.

– Phát triển bền vững đi cùng với gìn giữ và cải thiện môi trường, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Hiện nay có 6 vùng công nghiệp chính được nhà nước phân chia theo vai trò như sau:

  • Vùng 1: Tập trung phát triển thủy điện, chế biến nông, lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, phân bón, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí phục vụ nộng nghiệp và công nghiệp chế biến.
  • Vùng 2: Tập trung phát triển ngành cơ khí, nhiệt điện, điện tử, công nghệ thông tin, hóa chất, luyện kim, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, tiếp tục phát triển nhanh công nghiệp dệt may, da giày phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.
  • Vùng 3: Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản, lọc và hóa dầu, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng và dệt may, da giày, ngành điện tử và công nghệ thông tin.
  • Vùng 4: Tập trung phát triển thủy điện, công nghiệp chế biến nông, lâm sản và khai thác, chế biến khoáng sản.
  • Vùng 5: Tập trung phát triển công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí, điện, chế biến nông, lâm, hải sản và đặc biệt là công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghiệp phần mềm, hóa chất, hóa dược, phát triển công nghiệp dệt may, da giày chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, phát triển công nghiệp trên cơ sở áp dụng công nghệ cao, phát triển các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao.
  • Vùng 6: Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, các ngành công nghiệp sử dụng khí thiên nhiên, ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sau thu hoạch và bảo quản, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ khí đóng tàu.
  • Vai trò của công nghiệp hóa đối với quốc gia

Công nghiệp hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Có thể gói gọn lại 3 vai trò chính của công nghiệp hóa như sau:

  • Tạo điều kiện thay đổi nền sản xuất xã hội, tăng năng suất lao động đồng thời tăng sức chế ngự của con người đối với thiên nhiên (thay vì nền kinh tế nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên như trước đây). Từ đó, công nghiệp hóa góp phần đảm bảo phát triển nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.
  • Công nghiệp hóa giúp củng cố và tăng cường vai trò của nền kinh tế Nhà nước. Sau đó tạo điều kiện vật chất để con người được phát triển toàn diện trong các hoạt động kinh tế và xã hội.
  • Công nghiệp hóa mở ra cơ hội cho khoa học và công nghệ nước nhà được phát triển trong thời gian ngắn nhất để đạt được đến trình độ tiên tiến và hiện đại. Điều này giúp bổ sung nguồn lực vật chất và kỹ thuật cho hệ thống an ninh quốc phòng của quốc gia.
  • Những thách thức của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa là gì?

Bên cạnh những đường lối, chính sách đúng đắn kèm theo những thuận lợi từ môi trường và con người thì quá trình công nghiệp hóa tại Việt Nam hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ nhiều khía cạnh khác nhau.

  • Động lực công nghiệp hóa của Việt Nam phần lớn đến từ các công ty nước ngoài, trong khi đó, những công ty này chỉ vào Việt Nam để tận dụng ưu thế về chi phí nhân công và môi trường thấp, điều này có nghĩa là việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài không có tác động tích cực đến việc tạo ra nền tảng công nghiệp quốc gia cho Việt Nam.
  • Lực lượng lao động trẻ tại Việt Nam vô cùng dồi dào nhưng lại thiếu kỹ năng do không được đào tạo tốt dẫn đến khả năng tiếp thu công nghệ mới và cao còn rất yếu.
  • Quá trình thực hiện công nghiệp hóa chưa có sự đồng nhất về cách thức tiến hành ở từng địa phương dù có chung một quan điểm với trung ương. Các địa phương trở thành đối thủ cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, điều này tuy giúp các địa phương nâng cao năng lực quản lý nhưng lại gây ra sự thiếu liên kết và hỗ trợ lẫn nhau làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế quốc gia.

Như vậy, công nghiệp hóa đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của bất kì quốc gia nào đang trong quá trình thoát khỏi kinh tế nông nghiệp. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ khái niệm công nghiệp hóa là gì và vai trò của công nghiệp hóa đối với đất nước.