Trong thời buổi kinh tế mở cửa và có nhiều bước tiến rõ rệt như ngày nay thì hẳn khái niệm “thương mại” không còn gì xa lạ đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, trong thương mại còn có một cụm từ tuy không phổ biến nhưng lại là một hoạt động đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Đó chính là “Tài trợ thương mại”. Hãy cùng tìm hiểu tài trợ thương mại là gì trong bài viết dưới đây nhé.
- Khái niệm tài trợ thương mại
Tài trợ thương mại hay còn có cách gọi khác là cho vay thương mại, là hoạt động thanh toán trung gian giữa người mua và người bán trong kinh doanh. Hoạt động này bao gồm các biện pháp hỗ trợ về tài chính từ các ngân hàng dành cho các doanh nghiệp.
Hiểu theo cách đơn giản hơn, khi một doanh nghiệp cần thu hút nguồn lực tài chính nhằm mở rộng kinh doanh hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thì tài trợ thương mại từ một bên thứ hai như ngân hàng sẽ là giải pháp cho những khó khăn tài chính của doanh nghiệp ấy.
- Các hình thức và loại hình tài trợ thương mại
- Các hình thức tài trợ thương mại
Hiện nay có 2 hình thức tài trợ thương mại chính:
- Tài trợ thương mại trực tiếp: Là các biện pháp hỗ trợ cho vay vốn trực tiếp theo kỳ hạn (ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn) để doanh nghiệp có thể sử dụng cho việc xuất/nhập khẩu hàng hóa, mua trang thiết bị, đầu tư dây chuyền sản xuất… phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
- Tài trợ thương mại gián tiếp: Với hình thức này, bên tài trợ sẽ gián tiếp hỗ trợ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi như: đưa ra các chính sách hợp lí về tỷ giá hối đoái, thuế xuất/nhập khẩu, pháp lý, lãi suất… cho doanh nghiệp được tài trợ.
- Các loại hình tài trợ thương mại phổ biến
Khi có nhu cầu, các doanh nghiệp sẽ được ngân hàng thương mại cung cấp các gói dịch vụ tài trợ, bao gồm các loại hình sau:
- Tài trợ thương mại xuất/ nhập khẩu: Loại hình này hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thương mại mang lại lợi ích cho cả người mua và người bán.
- Tài trợ thương mại trong nước: Loại hình này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp mua – bán trong phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động, phục vụ cho nhiều mục đích kinh doanh.
- Tài trợ thương mại quốc tế: Loại hình này dành cho các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Hình thức hỗ trợ có thể bao gồm một hoặc tất cả giai đoạn của quá trình đầu tư để nhằm mục đích sinh lời.
- Bảo lãnh nhận hàng: Với loại hình này, ngân hàng sẽ đại diện trả tiền cho bên mua hàng để doanh nghiệp có thể nhận hàng, sau đó doanh nghiệp sẽ phải hoàn trả lại cả tiền gốc và lãi cho ngân hàng trong thời gian quy định.
- Cho vay tài trợ xuất/ nhập khẩu: Loại hình này giúp các doanh nghiệp giảm thiểu tối đa rủi ro về tỷ giá trong quá trình xuất/nhập khẩu hàng hóa ngắn hạn.
- Thanh toán nhờ thu hộ chứng từ xuất nhập khẩu: Với loại hình này, ngân hàng sẽ thay mặt bên xuất khẩu thu hộ một khoản tiền từ bên nhập trên cơ sở hối phiếu hoặc chứng từ giao hàng.
- Những lợi ích từ tài trợ thương mại là gì?
Tài trợ thương mại là một công cụ không thể thiếu trong kế hoạch giúp các công ty có thể tăng doanh thu và cải thiện hiệu quả kinh doanh ngoài việc giảm thiểu những rủi ro về tài chính.
Đầu tiên, tài trợ thương mại cho phép doanh nghiệp nhận được một khoản thanh toán tiền mặt, điều này giúp cải thiện dòng tiền đồng thời tạo thuận lợi rất lớn về việc mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp.
Hơn nữa, thư tín dụng giúp cho bên xuất khẩu và bên nhập khẩu giảm thiểu khả năng không thanh toán hoặc không nhận hàng, vì ngân hàng sẽ đảm bảo cho việc thanh toán, còn phía người mua sẽ biết được hàng hóa đang được vận chuyển.
Nếu không có tài trợ thương mại, khả năng một công ty có thể bị mất một khách hàng hay một nhà cung cấp quan trọng là rất lớn do những khó khăn trong tài chính.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến một số lợi ích thiết thực khác của tài trợ thương mại như:
- Loại tiền tệ cho vay đa dạng: USD, EURO, VNĐ…
- Đảm bảo khoản vay bằng nhiều hình thức: Thế chấp tài sản, bảo lãnh của bên thứ ba, bất động sản, giấy tờ có giá, lô hàng thế chấp, cầm cố…
- Đáp ứng được nhu cầu mua hàng gần như ngay lập tức.
- Vai trò của tài trợ thương mại
- Đối với doanh nghiệp:
- Giúp các doanh nghiệp có được nguồn vốn tài chính trực tiếp để đầu tư cho các hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng.
- Giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng doanh thu và lợi nhuận từ việc tăng nhanh vòng quay của vốn.
- Góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường vì tất cả những hoạt động ảnh hưởng đến năng lực giải quyết vấn đề của doanh nghiệp như quyết toán hóa đơn hay xúc tiến thương mại đều cần đến nguồn lực tài chính.
- Hạn chế rủi ro khi doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường kinh doanh sang những lĩnh vực khác.
- Đối với bên thực hiện tài trợ:
- Giúp xây dựng hình ảnh, danh tiếng và uy tín thông qua các hoạt động tài trợ.
- Giúp mở rộng các mối quan hệ phục vụ cho hoạt động kinh doanh trong tương lai.
- Doanh thu từ hoạt động cho vay thương mại cũng có khả năng đóng góp một phần không nhỏ vào lợi nhuận chung toàn hệ thống.
- Đối với nền kinh tế quốc dân:
- Thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc gia, thúc đẩy lưu thông hàng hóa đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
- Giúp thị trường trong nước nhanh chóng hòa nhập với thị trường quốc tế, giảm thiểu rủi ro thương mại.
Tài trợ thương mại đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp một khi muốn tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu được tài trợ thương mại là gì và những lợi ích xoay quanh hoạt động này đối với việc phát triển doanh nghiệp nói riêng và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia nói chung.