Ngoại thương là gì? Học ngoại thương ra làm nghề gì?

Trong những năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đang mở rộng để hội nhập và phát triển việc giao lưu kinh tế – văn hóa với các nước không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn với các quốc gia khác trên toàn thế giới. Việc này đã tác động không ít đến xu hướng lựa chọn ngành học của các bạn học sinh – sinh viên trong thời kì thay đổi này. Tỉ lệ các bạn chọn những ngành học liên quan đến kinh tế ngày một tăng cao, và một trong số những ngành đứng đầu về số lượng ứng tuyển phải kể đến ngành ngoại thương. Vậy ngoại thương là gì? Ngành học này có gì thu hút các bạn trẻ đến vậy?

  1. Khái niệm ngoại thương là gì?

Giải thích theo kinh tế học thì ngoại thương là hoạt động buôn bán và trao đổi giữa các quốc gia theo ngang bằng giá. Ngoại thương không chỉ gói gọn ở việc trao đổi hàng hóa, sản phẩm mà còn bao gồm cả việc giao lưu văn hóa trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia khác, đồng thời truyền bá và gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc của đất nước mình tới bạn bè quốc tế.

Nói theo cách dễ hiểu hơn, khi một hoạt động kinh tế hay giao lưu văn hóa vượt ra khỏi phạm vi của một đất nước thì đó chính là hoạt động ngoại thương. Ngoại thương có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như xuất – nhập khẩu, chuyển khẩu, quá cảnh…

  • Đặc điểm và vai trò của ngoại thương

2.1 Đặc điểm của ngoại thương

– Những sản phẩm trong lĩnh vực ngoại thương có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều lần so với các sản phẩm thương mại trong nước.

– Dòng sản phẩm vô hình có sự phát triển nhanh hơn so với những dòng sản phẩm hữu hình.

–  Có sự biến đổi rõ rệt trong cơ cấu mặt hàng.

– Có sự đa dạng trong phạm vi và phương thức cạnh tranh giữa các bên tham gia hoạt động ngoại thương như sự khác biệt về bao bì, giá thành, loại sản phẩm và hình thức vận chuyển.

– Hàng hóa được ứng dụng khoa học công nghệ được tiêu thụ cao hơn gấp nhiều lần so với những sản phẩm truyền thống.

2.2 Vai trò chính của ngoại thương là gì?

– Góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

– Có quan hệ chặt chẽ và tác động lớn đến vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài, làm thay đổi cơ cấu kinh tế trong nước với tốc độ nhanh.

– Hoạt động ngoại thương vững mạnh đồng nghĩa với việc nền kinh tế phát triển ổn định, kèm theo đó là những tác động tích cực trong kinh tế như điều tiết tỷ giá hay kiềm chế và kiểm soát lạm phát.

– Giải quyết vấn đề việc làm cho lao động trong nước thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh để xuất khẩu hay những ngành nghề liên quan, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Điều này đồng nghĩa với việc ngoại thương góp phần giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế quốc gia.

  • Ngành ngoại thương được học những gì?

Khi là sinh viên ngành ngoại thương, ngoài những môn đại cương chung của hầu hết các ngành học, bạn sẽ được đào tạo những môn học liên quan đến thương mại quốc tế như Tài chính quốc tế, Luật kinh doanh, Kinh tế quốc tế, Xuất nhập khẩu… Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, bạn sẽ nắm vững các kỹ năng liên quan đến đàm phán mua bán hàng hóa, phân phối hàng hóa xuất – nhập khẩu, thẩm định hợp đồng kinh doanh, dự báo và giải quyết rủi ro…

  • Tốt nghiệp ngành Ngoại thương ra làm gì? 

Ngoại thương là ngành học gần như có thể đảm bảo cho bạn đầu ra với những công việc chất lượng và mức lương từ khá đến rất cao nếu bạn thực sự chuyên tâm học tập. Sau đây là một số nghề nghiệp phổ biến liên quan đến ngành ngoại thương bạn có thể tham khảo.

1. Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu

Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu có nhiệm vụ nghiên cứu và hoạch định chiến lược mở rộng thị trường cho công ty. Bên cạnh đó, tìm kiếm nguồn khách hàng, thương lượng và ký kết hợp đồng ngoại thương với họ cũng là công việc chính của một nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu. Với công việc này, thông thường phần lớn lương thưởng sẽ đến từ hoa hồng của các hợp đồng mà bạn đàm phán thành công.

2. Nhân viên Logistic

Logistic là một ngành hiện đang có thứ hạng tăng trưởng rất cao trong nền kinh tế những năm gần đây. Tuy yêu cầu công việc có phần khắt khe hơn nhưng mức lương bạn nhận được lại hoàn toàn xứng đáng với cơ hội thăng tiến cao.

Một nhân viên Logistic sẽ có các nhiệm vụ chính như:

– Thực hiện lệnh sản xuất trên phần mềm xuất nhập khẩu.

– Theo dõi tiến độ sản xuất hàng hóa tại nhà máy, công xưởng.

– Lên kế hoạch đóng gói và xuất hàng.

– Đàm phán về giá cả, thời gian, điều kiện chuyên chở với các đối tác cung cấp dịch vụ vận chuyển.

– Giám sát các lô hàng và xử lý phát sinh trong quá trình vận chuyển các lô hàng.

3. Nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu 

Nhân viên chứng từ là công việc liên quan trực tiếp đến giấy tờ, thông tin, số liệu nên có rất nhiều điểm đặc thù riêng. Chính vì thế, công việc này đòi hỏi bạn phải là người cẩn thận và có sự tập trung cao độ khi làm việc. Là một nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu, bạn sẽ:

 – Liên hệ với hãng tàu để lên lịch vận chuyển dựa trên hóa đơn từ khách hàng;

– Soạn thảo và thực hiện thanh toán hợp đồng, hóa đơn, các loại giấy tờ chuyên biệt.

– Kiểm tra và quản lý các chi phí.

– Xin giấy kiểm định từ cơ quan chức năng đối với các loại hàng hóa đặc biệt.

– Chuẩn bị, lưu trữ và quản lý hồ sơ, chứng từ về hàng hóa cần vận chuyển. 

4. Nhân viên xuất nhập khẩu thuộc bộ phận mua hàng

Nếu bạn là một người năng nổ và có kĩ năng sắp xếp công việc tốt, bạn hoàn toàn có thể thử sức với vị trí nhân viên mua hàng cho các công ty xuất nhập khẩu.  Với vị trí này, bạn sẽ chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ xuất nhập khẩu của các đối tác cung ứng hàng hóa. Đồng thời, bạn phải theo dõi tình trạng thanh toán chi phí ở mỗi lô hàng thông quan, cập nhật quá trình di chuyển hàng và ghi chú thông tin ngày giờ hàng về kho.

  • Làm giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng

Nếu bạn cảm thấy môi trường công sở không phải nơi dành cho mình thì bạn hoàn toàn có thể học lên cao học sau đó đi làm giảng viên chuyên ngành Ngoại thương cho các trường đại học hay cao đẳng trên cả nước. Truyền đạt kiến thức cũng là một công việc vô cùng cao cả vì nó đòi hỏi không chỉ sự kiên nhẫn mà còn cả tâm sức của người dạy.

Tuy cơ hội việc làm cho ngành Ngoại thương là rất lớn nhưng tỉ lệ cạnh tranh cũng vô cùng cao, điều này đòi hỏi bản thân bạn phải chuyên tâm học tập nếu đã chọn theo ngành. Bên cạnh đó, ngoại ngữ là một kĩ năng cực kì quan trọng cho những ai có ý định theo đuổi ngành Ngoại thương. Hy vọng bài viết trên đây đã phần nào giúp các bạn hiểu rõ Ngoại thương là gì và định hướng được con đường học tập và nghề nghiệp trong tương lai của mình. Chúc các bạn thành công!