Vai trò của người lãnh đạo trong thời buổi hiện nay là gì?

Trở thành một người lãnh đạo giỏi không phải là điều đơn giản, và nó càng trở nên khó khăn hơn trong thời buổi hiện nay. Người có trình độ chuyên môn cao chưa chắc đã trở thành một người lãnh đạo được mọi người tín nhiệm. Để thành công với vai trò là người lãnh đạo, bạn cần nắm được vai trò của người lãnh đạo là gì? Bài viết này sẽ giúp bạn đi tìm đáp án.

Quản lý và lãnh đạo khác nhau như thế nào?

Trước khi cùng đi tìm hiểu vai trò của người lãnh đạo, chúng tôi muốn bạn phân biệt được sự khác nhau giữa quản lý và lãnh đạo. Bởi vì đây là hai khái niệm thường bị nhầm lẫn về ý nghĩa cũng như chức năng.

Nếu như trong một tổ chức sản xuất, quản lý giữ nhiệm vụ đảm bảo quá trình hoạt động được diễn ra suôn sẻ, giảm thiểu rủi ro thì lãnh đạo là người có nhiệm vụ nhìn vào bức tranh tổng quát, đề ra phương hướng hoạt động để tránh những rủi ro đã được dự đoán trước.

Quản lý sẽ giữ vai trò dựa vào tổ chức, nhân sự có sẵn để phân công nhiệm vụ phù hợp, còn lãnh đạo là người tìm kiếm những tố chất tiềm năng của mỗi nhân sự để phát huy và đưa ra cách sử dụng người hợp lý.

Quản lý sẽ kiểm soát và giải quyết các vấn đề xảy ra và lãnh đạo là người truyền cảm hứng, thúc đẩy động lực làm việc cho nhân viên.

Việc phân bổ một người từ quản lý lên lãnh đạo hay tuyển chọn một người lãnh đạo mới luôn gặp những khó khăn nhất định. Người lãnh đạo đó vừa phải có kỹ năng chuyên môn cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề tốt. Người có thể trao nhiệm vụ đúng người và tin tưởng vào khả năng làm việc của người đó. Lãnh đạo cũng phải là người có thể không ngại ngần tiếp thu ý kiến đóng góp, đánh giá từ nhân viên, cấp trên hay đồng nghiệp.

Những thách thức mà lãnh đạo phải đối mặt hiện nay

Thời buổi hiện nay, người lãnh đạo phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn hơn trước rất nhiều. Trong đó, phải kể đến 4 thách thức lớn như sau: Niềm tin dành cho các nhà lãnh đạo rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay; Khả năng truyền tải tầm nhìn đến các cấp bên dưới còn hạn chế; Từ chiến lược đến thực thi vô cùng gian nan và bấp bênh vì ảnh hưởng bởi sức mạnh công nghệ, khả năng con người yếu kém; Cuộc tranh giành người tài trở nên khắc nghiệt trên quy mô toàn thế giới.

Vai trò của nhà lãnh đạo

Từ những thách thức đó, nhà lãnh đạo cần nắm vững vai trò của mình để có thể đạt được thành công mà bản thân hướng đến. Cụ thể:

  1. Nhà lãnh đạo phục vụ

Bạn muốn thành công với vai trò lãnh đạo, trước hết bạn hãy xem mình là một người phục vụ. Trong vai trò người phục vụ, bạn sẽ giúp đỡ nhân viên học tập phát triển bản thân và giúp họ thành công với vị trí của họ. Từ đó bạn sẽ đạt được thành công cho mình.

  • Người định hướng

Đằng sau một công ty có sự phát triển vượt bậc chính là một người lãnh đạo có tầm nhìn, định hướng tốt. Người lãnh đạo giỏi phải xây dựng được chiến lược ngắn hạn, chiến lược dài hạn phù hợp với tầm nhìn, mục tiêu của công ty cũng như tình hình kinh tế thị trường trong tương lai để có được những cơ hội tốt nhất cho công ty của mình.

  • Người quản lý những tiêu chuẩn cao và kết quả tốt

Trong công ty, người chịu trách nhiệm cuối cùng về việc đưa ra các tiêu chuẩn cũng như đảm bảo kết quả cuối cùng luôn là người lãnh đạo. Cho nên, hãy luôn đặt ra những tiêu chuẩn cao cho cả nhân viên lẫn sản phẩm của mình và đảm bảo kết quả phù hợp với tiêu chuẩn đó.

  • Người huấn luyện

Mặc dù bạn không chịu trách nhiệm 100% việc huấn luyện nhân viên nhưng người lãnh đạo lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền cảm hứng, động lực làm việc cho nhân viên của mình. Hãy giúp nhân viên tìm ra được tiềm năng, mục tiêu của họ và giúp đỡ họ đạt được điều đó.

  • Người làm chủ thay đổi

Doanh nghiệp luôn có những thay đổi, thay đổi trong tư duy chiến lược, thay đổi sáng kiến,…Và người lãnh đạo cần làm chủ được những điều đó. Làm chủ để giúp nhân viên chuẩn bị tâm lý và bước qua hành trình thay đổi này một cách thuận lợi.

  • Người làm gương

Bởi vì bạn là lãnh đạo, cho nên bất kỳ hành động nào của bạn cũng sẽ ảnh hướng đến nhân viên của mình. Vậy nên, hãy chú ý cách cư xử của bạn thân và đảm bảo nhân viên thấy được bạn xứng đáng là người lãnh đạo của họ.

  • Hỗ trợ nhân viên kịp thời

Giao quyền và tin tưởng nhân viên là điều mà lãnh đạo nên làm. Tuy nhiên, sau khi giao quyền, bạn nên theo dõi từng tiến trình làm việc của họ và ra tay giúp đỡ khi cần thiết. Việc này sẽ giúp quá trình hoạt động của toàn công ty được diễn ra suôn sẻ.

Như vậy, bài viết đã giúp bạn xác định được những vai trò của người lãnh đạo trong tập thể, công ty. Việc xác định được bản thân nên làm những gì sẽ là bước đầu tiên giúp bạn thành công với vai trò người lãnh đạo.